Những bữa tiệc liên hoan ngày Tết là dịp chúng ta có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi và giao lưu với bạn bè, người thân, họ hàng cũng như đồng nghiệp nhiều nhất. Để có được sự hành xử đúng mực và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, hãy cùng CERA Foods học hỏi các quy tắc trên bàn ăn ngày Tết sau đây.
Mời mọi người dùng bữa
Lời mời dùng bữa là phép lịch sự tối thiểu và là điều đầu tiên chúng ta cần ghi nhớ. Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà cách mời cơm có sự khác biệt. Đối với miền Bắc, những người nhỏ tuổi hơn hoặc có vai vế thấp hơn sẽ mời cơm theo quan hệ vai vế, tuổi tác từ cao xuống thấp. Ví dụ, con mời ông bà ăn cơm. Con mời bố mẹ ăn cơm. Em mời anh chị ăn cơm. Trong khi đó, người dân miền Nam và miền Trung sẽ có cách mời ngắn gọn hơn dành cho tất cả mọi người. Ví dụ, con mời cả nhà ăn cơm.
Rót đồ uống cho mọi người
Nếu chúng ta là người trẻ tuổi thì nên chủ động rót đồ uống cho những người khác. Khi rót, nên rót theo vòng tròn, bắt đầu từ người lớn tuổi/có vai vế cao nhất rồi tới những người bên cạnh.
Xem thêm: List 12 món nhậu ngày Tết đãi khách, nấu là ngon – ăn là ghiền
Cách cụng ly
Khi cụng ly chúc mừng, chúng ta nên để miệng cốc của mình thấp hơn so với của những người khác, nhất là những người lớn tuổi, cấp trên, vai trên. Hành động này thể hiện sự khiêm nhường, tinh tế và sẽ giúp chúng ta được đánh giá cao về cách ứng xử.
Không bắt đầu ăn trước những người lớn tuổi và chủ bữa tiệc
Sau khi ngồi vào bàn ăn và mời cơm, chúng ta không nên gắp thức ăn và dùng bữa ngay mà nên để những người lớn tuổi và chủ nhân của bữa tiệc là những người đầu tiên khai tiệc. Việc này thể hiện sự lễ phép, kính trên nhường dưới, điều vốn rất được coi trọng trong văn hóa Việt.
Cách bắt tay
Người lớn tuổi hoặc nữ giới sẽ là người chủ động đưa tay ra bắt trước. Chúng ta cần giữ khoảng cách bắt tay chừng 60 – 70cm. Khi bắt tay, người hơi nghiêng về hướng đối phương, ngón tay cái xòe, 4 ngón tay còn lại sát vào nhau. Nắm tay vừa phải, không quá nhẹ cũng không quá mạnh. Thời gian bắt tay nên từ 3 tới 5 giây. Khi bắt tay, có thể dùng tay trái chạm nhẹ lên bàn tay của đối phương thể hiện sự trân trọng. Đồng thời, chúng ta có thể cười tươi để tạo thêm sự thiện cảm.
Không nhắc tới những chuyện không vui đã qua
Năm mới, mọi người đều hướng về những điều mới mẻ, may mắn và tốt lành. Chính vì thế, chúng ta chỉ nên nói lời hay ý đẹp và đề cập tới những chuyện vui vẻ. Không nên nhắc tới những chuyện buồn khiến không khí bữa tiệc trùng xuống.
Không dùng điện thoại trong bữa ăn
Sự tập trung chú ý hoàn toàn vào bữa ăn thể hiện rằng chúng ta thực sự rất trân trọng khoảnh khắc gặp gỡ đó. Với người Việt Nam, bữa ăn không chỉ để ăn mà là nơi mọi người chuyện trò, thăm hỏi lẫn nhau. Do đó, khi chúng ta xem điện thoại, làm việc riêng sẽ là thiếu tôn trọng những người còn lại.
Ăn uống từ tốn
Khi ăn, chúng ta không nên ăn miếng quá to, không nên nhai tạo ra tiếng động lớn, không nên ăn quá nhanh. Không nên ăn quá nhiều một món ăn yêu thích để mọi người có thể cùng thưởng thức hương vị món ăn. Không nên đảo, bới thức ăn trên đĩa, nên dự định gắp miếng nào trước khi cầm đũa. Đó là quy tác trên bàn ăn tối thiểu mình cần để ý
Không cắm đũa vào bát cơm
Thông thường đũa chỉ được cắm trên bát cơm cúng nên thực hiện hành động này trong bữa ăn bị cho là khiếm nhã và không được tốt lành. Đây là điều đại kỵ, nhất là vào dịp đầu xuân năm mới.
Gắp thức ăn cho mọi người cần đổi đầu đũa
Theo phép lịch sự, chúng ta có thể gắp đồ ăn cho những người lớn tuổi, khách quý hoặc người ngồi cách xa món ăn để thể hiện sự kính trọng và mến khách. Một lưu ý cần thiết khi làm điều này, đó chính là đổi đầu đũa hoặc dùng một đôi đũa khác, như vậy vừa đảm bảo vệ sinh, vừa vui lòng mọi người.
Không nối đũa trong bữa ăn
Khi được người khác gắp thức ăn cho, chúng ta nên đưa bát ra để nhận thay vì dùng đũa. Đũa nối đũa khiến liên tưởng tới những điều không tốt lành, giống với hình ảnh gắp tro cốt sau khi hỏa táng.
Không vừa nhai vừa nói
Bữa ăn là dịp mọi người chuyện trò nhưng không có nghĩa là chúng ta vừa nói vừa ăn. Nói khi đang nhai, giọng nói sẽ vô cùng khó nghe. Đồng thời dễ khiến cho thức ăn bị bắn ra ngoài, vừa mất vệ sinh, vừa bất lịch sự.
Không gõ đũa vào bát
Theo quan niệm của người xưa, quy tác trên bàn ăn là không gõ đũa vào bát. Tiếng gõ bát đũa sẽ thu hút ma quỷ, mang tới những điều đen đủi, không may mắn. Chính vì thế, để là một người có lễ nghĩa, phép tắc, chúng ta cần hết sức kiêng kỵ điều này.
Xới cơm cũng cần có quy tắc
Nếu là người nhỏ tuổi hoặc vai vế thấp trong bàn tiệc, chúng ta nên chủ động ngồi gần tô cơm và xới cơm cho mọi người. Lưu ý khi xới cơm là cần đảo đều cơm để cơm tơi và ngon hơn. Xới cơm cho người lớn tuổi và trẻ em trước rồi tới những người còn lại. Xới cơm chỉ nên tới lưng bát, không nên xới quá đầy, cũng không nên quá vơi. Xới cơm nên xới thành 2 lần, không nên xới 1 lần bởi theo quan niệm dân gian “Xới 1 lần cơm cúng, 2 lần cơm ăn”.
Lưu ý sau khi ăn xong
Chúng ta có thể dùng bữa xong trước nhiều người khác. Nhưng không nên rời bàn ăn ngay mà nên nán lại một chút, để mọi người còn lại có thể tiếp tục thưởng thức các món ăn một cách thong thả, thoải mái hơn. Khi cần ra khỏi bàn ăn, chúng ta cũng nên mời mọi người ăn cơm một lần nữa theo phép lịch sự.
Hẳn là quý vị đã có được rất nhiều kiến thức thú vị, tuy quen mà lạ về các quy tắc trên bàn ăn ngày Tết với những chia sẻ chi tiết trên đây từ CERA Foods. CERA Foods xin kính chúc Quý vị một năm mới bình an, hạnh phúc và thật nhiều may mắn, thành công!
Bạn quan tâm: Văn hóa quà tặng và thức đặc sản làm quà của người Việt